trang chủ tin tức xe Kinh nghiệm Những dấu hiệu nhận biết hệ thống phanh xe ô tô sắp hỏng

Những dấu hiệu nhận biết hệ thống phanh xe ô tô sắp hỏng

Trước khi hư hỏng hoàn toàn, hệ thống phanh thường có những dấu hiệu bất thường. Nếu nhận biết kịp thời chủ xe có thể tiết kiệm được chi phí sửa chữa, thay thế.

Mức dầu phanh thấp bất thường

Ngày nay trên các mẫu ô tô du lịch thường sử dụng hệ thống phanh thủy lực, với dầu phanh là dung môi truyền lực. Đây là một hệ thống tuần hoàn khép kín nên việc hao hụt dầu phanh là không đáng kể.

Người dùng có thể kiểm tra dầu phanh thông qua bình chứa dầu phanh bên trong khoang máy. Mức dầu phanh được khuyến cáo là nằm giữa vạch "MAX" và "MIN" của bình dầu. Nếu mức dầu nằm dưới vạch "MIN" thì cần phải bổ sung thêm dầu.

Những dấu hiệu cho thấy hệ thống phanh gặp hư hỏng - Ảnh 1.

Mức dầu phanh hao hụt bất thường là dấu hiệu hư hỏng nhiều chi tiết của hệ thống phanh.

Việc mức dầu phanh thấp thường có thể tới từ một số nguyên nhân như rò rỉ đường ống dẫn dầu, cupen phanh gặp hư hỏng… Các nguyên nhân này đều dẫn tới việc mất áp suất dầu phanh gây ra hiện tượng phanh không ăn. Trong một số trường hợp xấu khi xe trên đường đèo dốc có thể gây ra tình trạng mất phanh rất nguy hiểm.

Khi nhận thấy mức dầu phanh thấp, người dùng cần đưa xe tới các trung tâm sửa chữa kiểm tra đường ống dẫn dầu, xi-lanh phanh, cuppen phanh, tổng phanh... Để đảm bảo khắc phục sự cố tránh những hư hỏng nặng và hậu quả nghiêm trọng.

Hành trình đạp phanh lớn

Đây là dấu hiệu của má phanh đã gần hết và các hư hỏng của các vít điều chỉnh hoặc có không khí trong đường ống dẫn dầu.

Khi má phanh gần hết hành trình đạp phanh sẽ tăng một khoảng đáng kể, lúc này đạp phanh sẽ không ăn hoặc phải đạp mạnh với hành trình bàn đạp phanh lớn mới hiệu quả. Trong trường hợp này, nếu không khắc phục thay thế hoàn toàn có thể dẫn tới tình trạng mất phanh, gây nguy hiểm.

Những dấu hiệu cho thấy hệ thống phanh gặp hư hỏng - Ảnh 2.

Hành trình đạp phanh quá lớn là dấu hiệu má phanh gần hết.

Các má phanh được thiết kế đặc biệt, có những má phanh được thiết kế với đèn báo sáng điện tử, nhưng cũng có những má phanh thiết kế báo hết với cơ chế cơ khí.

Khi má phanh gần hết sẽ tạo ra tiếng ồn báo hiệu cho chủ xe, lúc này tài xế cần phải đưa xe đi thay thế và kiểm tra để đảm bảo má phanh không hết hoàn toàn gây mất phanh.

Trường hợp tăng khoảng hành trình đạp phanh, nguyên nhân cũng có thể do không khí lọt vào đường ống dầu trong quá trình xả gió không đạt chuẩn. 

 
 
 

Khi này cần phải thực hiện lại quy trình xả gió để đẩy hết không khí ra ngoài, đảm bảo không có bọt khí trong đường ống dẫn dầu.

Đạp phanh thấy phản lực, rung bàn đạp phanh và vô lăng

Việc đạp phanh có phản lực là dấu hiệu đĩa phanh đang bị cong, vênh hoặc má phanh có dị vật. Khi đạp phanh, má phanh và đĩa phanh áp sát nếu có dị vật hoặc đĩa cong, vênh sẽ tạo ra phản lực và dội ngược vào bàn đạp phanh.

Những dấu hiệu cho thấy hệ thống phanh gặp hư hỏng - Ảnh 3.

Đĩa phanh cong vênh sẽ tạo ra hiện tượng phản lực lên bàn đạp chân phanh.

Nếu xảy ra cong vênh ở đĩa phanh trước, sẽ có tác động lắc ngang vào bánh xe dẫn hướng dẫn tới tình trạng bị rung vô-lăng khi bắt đầu nhả phanh hoặc rà phanh.

Khi không nhận biết và khắc phục kịp thời, má phanh có dị vật sẽ dẫn tới mòn không đều, đĩa phanh bị xước hoặc nứt vỡ khi bị cong vênh. Lúc đó chi phí thay thế và sửa chữa sẽ cao cũng như trong quá trình di chuyển không đảm bảo an toàn.

Bó phanh

Bó phanh xảy ra do sự cố trong thao tác phanh như: điều chỉnh sai phanh tay, phanh chân không đúng, lò xo trong má phanh bị hư, kẹt xi-lanh, hỏng xi-lanh tổng,…

Tình trạng này phổ biến khi xe kéo phanh tay và để trong một thời gian dài, mặc dù tài xế đã hạ phanh tay nhưng vẫn không thể di chuyển được.

Những dấu hiệu cho thấy hệ thống phanh gặp hư hỏng - Ảnh 4.

Dấu hiệu bó phanh phổ biến là khi dù đã hạ phanh tay nhưng phanh không nhả.

Hoặc trường hợp dù tài xế đã thôi tác động lực lên bàn đạp phanh nhưng phanh vẫn không chịu nhả. Cũng có trường hợp đạp hết phanh nhưng vẫn không có lực tác dụng lên má phanh.

Tình trạng bó phanh diễn ra khá phổ biến, do đó các tài xế xe ô tô cần nắm bắt dấu hiệu để có hướng khắc phục nhanh chóng, hiệu quả.

Ngoài ra cũng có những dấu hiệu như lốp xe mòn một bên, phanh xe bị lao sang một bên cũng là dấu hiệu bị bó phanh một bên hoặc má phanh mòn không đều.

(Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn//dau-hieu-cho-thay-he-thong-phanh-o-to-dang-gap-van-de-192231027113826725.htm)