trang chủ tin tức xe Khám phá Tìm hiểu công nghệ an toàn xe hơi dành cho người đi đường

Tìm hiểu công nghệ an toàn xe hơi dành cho người đi đường

Công nghệ an toàn trên xe hơi ngày càng phát triển, không chỉ bảo vệ người ngồi trong xe mà còn có những công nghệ giữ an toàn cho người tham gia giao thông trên đường.

Hệ thống nâng ca-pô chủ động (Active Hood System)

Mui xe (hay nắp ca-pô) là bộ phận trước đầu xe, được thiết kế để giảm tiếng ồn của động cơ bằng cách che chắn khoang động cơ, mui xe có thể đóng hoặc mở. Tuy nhiên, phần mui xe được coi là bộ phận gây thương tích nặng cho người đi bộ tại thời điểm xảy ra va chạm.

Do đó, hệ thống nâng ca-pô chủ động đã được áp dụng, để đảm bảo có một khoảng không gian có khả năng hấp thụ năng lượng tác động của ca-pô xe và khoang động cơ khi xảy ra tai nạn va chạm với người đi bộ.

Hệ thống nâng ca-pô chủ động (Active Hood System hay Pop-up Hood System) là một tính năng an toàn được trang bị trên ô tô, nhằm phát hiện người đi bộ và xe va chạm trực diện phía trước mui ô tô. Hệ thống sẽ chủ động nâng ca-pô ô tô lên để giảm thiểu chấn thương cho người đi bộ khi va chạm với xe.

Khi xảy ra va chạm, hệ thống sẽ chủ động nâng nắp ca-pô tạo khoảng trống giúp người bị đâm không bị tác động lực từ động cơ bên dưới.

Khi xảy ra va chạm, hệ thống sẽ chủ động nâng nắp ca-pô tạo khoảng trống giúp người bị đâm không bị tác động lực từ động cơ bên dưới.

Trong hệ thống nâng ca-pô chủ động có cảm biến gắn trên cản trước ô tô. Khi người đi bộ va chạm vào cản trước, cảm biến nhận biết và truyền tín hiệu, bộ điều khiển (ECU) sẽ vận hành cơ cấu truyền động để nâng phần sau của ca-pô xe lên, đảm bảo một không gian giảm sốc giữa mui xe và khoang động cơ.

Các nắp ca-pô sẽ được làm từ vật liệu nhẹ và mềm như hợp kim nhôm để đảm bảo không tạo sát thương cho người bị va chạm. Hiện tại công nghệ này đang được trang bị trên các mẫu xe của Lexus với tên gọi Capo pop-up hood.

Khung xe hấp thụ xung lực

Hệ thống khung gầm được thiết kế với các vùng hấp thụ lực khi xảy ra va chạm. Những vùng này, nằm ở phía trước và sau xe, giúp giảm thiểu tổn thương khi đầu xe hoặc đuôi xe bị đâm.

Trong khi đó phần cabin lái của chiếc xe lại được thiết kế cứng vững hơn, ít bị biến dạng khi va chạm do đó người ngồi trong xe sẽ ít bị chấn động và có thể dễ dàng thoát ra ngoài sau khi xảy ra va chạm.

Các vùng khung trước và sau xe được thiết có khả năng hấp thụ xung lực, giúp giảm thiểu chấn thương cho người đi đường khi xảy ra va chạm.

Hệ thống khung xe hấp thụ xung lực còn giúp giảm thiểu lực tác dụng lên đối phương khi đâm phải, kết hợp với cơ cấu động cơ trượt dưới khoang hành khách sẽ giúp người đi đường giảm được lực tác động khi xảy ra va chạm.

Trung bình một động cơ ô tô có khối lượng dao động từ 140-250kg, nếu không có cơ cấu trượt xuống khoang hành khách khi va chạm thì động cơ rất có thể làm tổn thương cả người đi đường và hành khách trong xe.

Hệ thống cảnh báo tiền va chạm (Pre Collision System-PCS)

Với những cảm biến rada và camera hồng ngoại bố trí phần đầu xe, hệ thống PCS sẽ tính toán khoảng cách từ xe tới vật cản. Trong trường hợp nhận thấy có thể xảy ra va chạm, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo để người lái giảm tốc độ.

Một số hệ thống tiên tiến sẽ can thiệp trực tiếp vào hệ thống phanh, giảm công suất động cơ và phanh chủ động để giảm thiểu rủi ro xảy ra va chạm.

PCS hỗ trợ người lái giảm thiểu va chạm với những người và phương tiện phía trước.

Với hệ thống PCS, người lái cũng như những người tham gia giao thông khác sẽ tránh được nguy cơ va chạm, từ đó giúp việc lái xe trở nên dễ dàng hơn.

Những hệ thống an toàn này không chỉ là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao giá trị của chiếc xe mà còn đóng vai trò lớn trong việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của những người tham gia giao thông trên đường. Việc lựa chọn xe với các tính năng an toàn cao sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực giảm tai nạn giao thông và hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc.

(Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn//cong-nghe-an-toan-xe-hoi-danh-cho-nguoi-di-duong-192231215101445425.htm#google_vignette)